Hội An luôn là điểm đến hấp dẫn cho những ai mong muốn được một lần đặt chân tới khám phá sự cổ kính của nơi này. Và có lẽ Hội quán Dương Thương đã góp phần thêm vào mảnh đất này một nét đặc trưng rất riêng, không chỉ cho hội quán của người Hoa nói riêng mà còn cả Hội An nói chung.
Theo các tư liệu Hán – Nôm và cả văn bia ghi lại thì Hội quán Dương Thương được xây dựng trong khoảng năm 1741, tức là đã mấy trăm năm trải qua, phải đến 3 thế kỷ và mặc dù đã được trùng tu rất nhiều lần nhưng nơi này vẫn giữ được y nguyên lối kiến trúc từ lúc đầu xây dựng đến tận ngày nay.
Hội quán là nơi thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu với sự đóng góp đến từ các thương nhân của Ngũ Bang, đó là Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Triều Châu, Gia Ứng. Không những vậy, nơi đây còn là nơi những người con cùng quê hương ( hay còn gọi là hội đồng hương) gặp gỡ nhau và gúp nhau cùng buôn bán, làm ăn. Bạn sẽ thấy có tấm bia ghi rõ 10 điều công nghị của Hoa kiều trong quá trình làm ăn ở đất Hội An với tiêu đề bia là “Dương Thương Hội quán công nghị điều lệ”. Hội quán cũng trải qua nhiều lần đặt tên khác nhau như Giang Triết Hội Quán, tên Hội quán Ngũ Bang được đặt là bởi nơi đây là sinh hoạt chung của 5 bang hội lớn của người Hoa thời điểm ấy. Đến năm 1928, được đổi tên thành Trung Hoa Hội quán, về sau thì trở thành nơi tổ chức học văn hóa – học tiếng Hoa dành cho những con em gia tộc nên có tên gọi khác là Chùa Lễ Nghĩa. Có nhiều tên gọi như vậy cũng là do những điều kiện thực tế trong quá trình tồn tại của hội quán, nhưng về cơ bản thì nó vẫn giữ được chức năng vốn có ban đầu, sự hiện diện và vai trò trong đời sống văn hóa của người Hoa ở Hội An vẫn không hề thay đổi.
Hội quán Dương Thương ngụ tại số 64 Trần Phú, rất gần với Hội quán Phúc Kiến. Kiến trúc nơi này về cơ bản cũng theo lối kiến trúc đặc trưng của những Hội quán người Hoa khác nhưng khác ở những chạm khắc tinh xảo, cấu trúc rường cột khác so với những hội quán kia. Bạn sẽ thấy bức hoành đá khắc 4 chữ “Trung Hoa Hội Quán”, còn một bức hoàng phía sau thì ghi “Thiên hạ vi công” được truyền là lấy theo chữ nguyên mẫu thủ bút của Tôn Trung Sơn. Ngoài ra bạn cũng sẽ thấy chồng rường giả thủ được người Hoa xưa chạm trổ hết sức tinh vi, sắc xảo với hình đầu rồng uyển chuyển. Ở hai bên có 2 cửa Tây – Đông là Bác ái môn và Hòa bình môn. Đi vòng ra phía sau bạn sẽ một khoảng sân rộng lát đá và có nhiều cây cảnh, hoa lá được trang trí tạo không gian xanh mát cho khuôn viên hội quán. Phía Tây và phía Đông của sân có hai dãy nhà dài là tả vi và hữu vi. Chính là nơi những con em gia tộc người Hoa được học tiếng Hoa các cấp sơ – trung học.
Bên trong hội quán được xây dựng với nhiều khung gỗ có hệ thống cột kèo to cao, sơn son tráng lệ và đẹp. Gian giữa có đến thờ của Thiên Hậu Thánh Mẫu chính là vị nữ thần hộ biển vô cùng linh thiêng mà người Hoa sùng bái tôn thờ, 2 bên là gian thờ Quan Âm Bồ Tát và Tài Bạch Tinh Quân, có cả 2 thần Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ. Ngoài ra bạn cũng sẽ thấy mô hình thuyền buồm giống với những thuyền buồm mà ngày xưa người Hoa sử dụng làm phương tiện buôn bán, giao thương trên biển.
Cùng với Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Dương Thương là một trong hội quán hàng đầu ở phố cổ Hội An được đông đảo người Hoa đến viếng thăm, cúng bái và sinh hoạt. Có rất nhiều du khách Trung Quốc đến tham quan đều vô cùng thích thú về lịch sử của hội quán. Nếu có dịp ghé thăm Hội An Quảng Nam thì bạn nhớ đến hội quán này để có thể biết một phần nét văn hóa người Hoa xưa khi sinh sống trên đất Việt cũng như thấy được những đóng góp của hội quán này có ý nghĩa như thế nào trong kiến trúc văn hóa Hội An xưa và nay.