Làng nghề đúc đồng Phước Kiều, Điện Bàn nằm kề bên quốc lộ 1A, thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, làng đúc đồng Phước Kiều là một làng nghề truyền thống đã nổi tiếng từ nhiều thế kỷ trước với các sản phẩm bằng đồng phục vụ trong các dịp tế lễ, hội hè như: chuông, đồng, chiêng, kiểng, mõ, phèng la; các vật dụng thông thường trong đời sống như lư hương, chân đèn, nồi niêu, xoang chảo, chén bát và cả các loại binh khí cổ như gươm, dao, giáo, mác …
Được mệnh danh là làng khai sinh ra hình thể của cồng chiêng, làng đúc đồng Phước Kiều nay đã tồn tại với truyền thống hơn 400 năm. Đây là một trong những làng nghề đúc đồng ở Quảng Nam có tuổi thọ cao nhất.
Đặc biệt, nghệ nhân Phước Kiều có đôi tay tài hoa và đôi tai nhạy bén biết “nghe, cảm” từng loại âm thanh để tạo ra nhiều nhạc cụ có âm riêng biệt, rất đặc thù và sắc nét. Một trong những bí quyết đó là kỹ thuật pha trộn các kim loại khác trong lúc nấu đồng ở những mức nhiệt độ mà chỉ có những người trong nghề mới được truyền đạt. Đến làng đúc đồng Phước Kiều, ngoài việc lựa chọn, mua sắm các vật dụng, hàng lưu niệm với đa dạng mẫu mã, kích thước, du khách còn có cơ hội được trực tiếp tham quan các công đoạn sản xuất của nghề đúc đồng và được xem các nghệ nhân danh tiếng biểu diễn các loại nhạc cụ cồng, chiêng do chính mình khai sinh ra.
Khai sinh làng nghề đúc đồng truyền thống
Tương truyền, làng đúc đồng được một người tên là Dương Tiền Hiền khai sinh, di cư từ Thanh Hóa vào đây để truyền dạy nghề. Công việc đầu tiên của làng nghề là rèn đúc binh khí cũng như đồ gia dụng phục vụ cung chúa Nguyễn, nên làng chú tượng Phước Kiều cũng từ đó mà được lập ra. Cuối thế kỷ XVIII, quân Tây Sơn cũng dừng chân ở đây, tổ chức rèn đúc vũ khí phục vụ khởi nghĩa nên làng tạc tượng Đông Kiều được thành lập song song. Năm 1832, vua Minh Mạng đã cho sát nhập hai làng này thành một xã, lấy hiệu là Phước Kiều. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, làng nghề đúc đồng Phước Kiều vẫn tồn tại vững trước dòng xoáy của thời gian.
Tinh xảo và chất lượng từ những sản phẩm
Nằm dọc tuyến đường từ phố cổ Hội An đến Thánh địa Mỹ Sơn, làng đúc đồng Phước Kiều được du khách biết đến nhờ các cửa hàng bán sản phẩm làng nghề tọa lạc ở hai bên đường, bán đủ loại các lại cồng, chiêng, tượng, đỉnh, chuông, nhạc cụ, đồ phong thủy, đồ thờ cúng… bằng đồng. Nơi đây trở thành một đại điểm tham quan du lịch nổi tiếng hấp dẫn du khách. Đến với làng nghề này, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những sản phẩm được chế tác tinh xảo hay mua sắm các vật dụng, quà lưu niệm, mà còn được tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất, đúc đồng truyền thống của làng nghề.
Để có những sản phẩm chất lượng nhất, người thợ đúc đồng truyền thống trải qua nhiều công đoạn chi tiết: Nhồi đất, làm bìa, giáp khuôn, thét khuôn, trổ điệu, pha chế kim loại, thử tiếng… và cuối cùng là khâu làm nguội. Có lẽ khâu pha chế kim loại là khâu khó nhất, nhưng cũng là khâu quan trọng nhất để thể hiện kỹ năng cũng như bí quyết gia truyền của làng nghề. Khâu này là bước quyết định chủ yếu đến phần âm của các loại chiêng, chuông, ta,… Vì có được kinh nghiệm cũng như bí quyết riêng, sản phẩm nơi đây đạt được trình độ kỹ thuật cao hiếm nơi nào có được.
Cồng, chiêng là một trong những sản phẩm làm nên tên tuổi
Khó nhất là khâu pha hợp kim trong chế tác sản xuất đồng. Mỗi loại cồng, chiêng sẽ có những yêu cầu cũng như độ khó khác nhau, đòi hỏi người nghệ nhân khi chế tác phải tạo những hợp kim riêng như đồng pha thiếc, đồng pha kẽm, đồng pha vàng… Tỉ lệ pha trộn cũng như nghệ thuật trộn hợp kim được xem là bí quyết của làng nghề.
Để có được một sản phẩm cồng, chiêng đạt yêu cầu, người nghệ nhân ngoài việc nắm giữ bí quyết và thể hiện nó một cách lành nghề, thì phải có một đôi tai tinh nhạy. Đôi tai thẩm âm tốt sẽ giúp họ phân biệt được đâu là âm của chiêng làng này, đâu là thanh của tiếng cồng làng kia, từ đó có thể tạo được một tiếng vang tốt cho từng sản phẩm. Kỹ năng này đòi hỏi kinh nghiệm và một sự rèn giũa sâu sắc. Điều này làm nên thương hiệu cũng như chất lượng của những sản phẩm làng nghề.
Nhiệt huyết và yêu nghề từ những người thợ
Đã có một thời gian dài tưởng chừng như đồ đồng Quảng Nam nói chung và làng nghề đúc đồng Phước Kiều nói riêng sẽ bị xóa sổ bởi sự thưa thớt khách du lịch, và số lượng nghệ nhân còn gắn bó với nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, với sự tạo điều kiện của tỉnh nhà, cũng như lòng nhiệt huyết với cái nghiệp cha ông để lại, những nghệ nhân chân chính của làng nghề đã bắt đầu công cuộc thay đổi, giữ lửa và truyền lửa cho thế hệ sau.
Theo “người chép sử của làng nghề” – ông Dương Ngọc Tiễn, cho biết ông đã bỏ công sức và tiền của hàng năm trời để tìm tòi, sưu tập các tài liệu từ thời cha ông để lại, để từ đó viết nên cuốn tài liệu 50 trang về “Lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề đúc đồng Phước Kiều” để chứng minh sự ra đời cũng như tồn tại mãnh liệt của làng nghề. Ông cũng đang hoàn tất tài liệu về “Quy trình chế tác về cồng chiêng” để có thể truyền dạy cho thế hệ trẻ sau này. Ông Tiễn còn tự tin khẳng định rằng nghệ nhân Phước Kiều có đủ khả năng so hàm âm ngay từ lúc mới chế tác theo đúng “gu” của từng vùng miền.
Đến với Hội An, sẽ là một sự thiếu sót nếu bạn không ghé thăm các làng nghề nơi đây. Làng nghề đúc đồng đỏ lửa hơn 400 năm nay là minh chứng tiêu biểu nhất cho sự bền bỉ, sức sống mãnh liệt có giá trị văn hóa lịch sử đối với địa phương. Nhất trống Lâm Yên, nhì chiêng Phước Kiều – chắc hẳn rằng làng nghề đúc đồng Phước Kiều sẽ là một trải nghiệm khó quên cho du khách khi đặt chân đến nơi đây